A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thành phố Kon Tum tuổi 15, hiện thực hóa khát vọng đi tới

Tháng Tư này, thành phố Kon Tum tròn 15 tuổi là mốc son đáng nhớ, sự kiện trọng đại đối với mỗi người dân sống bên dòng sông Đăk Bla. Không khí náo nức, niềm tự hào lan tỏa với ước vọng tươi đẹp về một thời kỳ phát triển mới của thành phố trẻ đang dâng lên trong trái tim bao người.

Thành quả từ tinh thần tiên phong, sáng tạo

Thành lập năm 2009, với tinh thần tự lực, tự cường, năng động, sáng tạo, cùng với sự quan tâm giúp đỡ của Trung ương, của tỉnh, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc thành phố Kon Tum đồng tâm, dốc sức vươn lên bằng chính nội lực của mình, giành được nhiều thành tựu quan trọng, vun đắp niềm tin, nuôi dưỡng khát vọng, vươn tới không ngừng.

Là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học - kỹ thuật, thành phố Kon Tum giữ vị trí chiến lược quan trọng của tỉnh. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, đây là nơi giao thoa hội tụ văn hóa, hun đúc nên tinh thần đoàn kết, dũng cảm, kiên cường, truyền thống yêu nước chống giặc ngoại xâm đã tạo dựng nên những giá trị lịch sử, văn hóa độc đáo, giàu bản sắc.

Dấu ấn nổi bật của thành phố Kon Tum trong chặng đường 15 năm là GDP luôn duy trì tăng trưởng mức độ cao, khoảng trên 10%; kinh tế - xã hội giành nhiều thành tựu vượt bậc. Năm 2023, tổng giá trị sản xuất đạt khoảng 60.369 tỷ đồng, tăng 17,4% so với năm 2022; trong đó, tỷ trọng ngành dịch vụ chiếm 30,99%. Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 12,48%, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 63,2 triệu đồng/người/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tăng dần tỷ trọng công nghiệp - xây dựng, dịch vụ; giảm dần ngành nông - lâm nghiệp. Chế độ, chính sách, an sinh xã hội được quan tâm. Diện mạo đô thị, nông thôn khởi sắc đồng bộ, toàn diện. An ninh chính trị, trật tự xã hội được bảo đảm; đời sống nhân dân không ngừng được nâng lên.

 

Thành phố Kon Tum hôm nay. Ảnh: Nguyễn Ban

 

Hiện nay, thành phố Kon Tum đang mở rộng các cụm công nghiệp nhằm đột phá phát triển kinh tế. Ngoài 3 cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp đã hoạt động là: Làng nghề H’Nor, phường Lê Lợi; Thanh Trung, phường Ngô Mây và xã Hòa Bình, thành phố tiếp tục đầu tư cụm công nghiệp mới tại phường Ngô Mây và xã Đăk Cấm với diện tích trên 62ha. Đồng thời, đề xuất UBND tỉnh bổ sung quy hoạch 8 cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tại xã Hòa Bình và xã Ia Chim với diện tích 570ha (giai đoạn 2021-2030). Đến hết năm 2023, có 11/11 xã được công nhận đạt chuẩn xã Nông thôn mới (NTM); có 2 thôn đạt chuẩn thôn NTM kiểu mẫu; 5 thôn đạt chuẩn thôn NTM ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Thành tựu đạt được sau 15 năm được thể hiện rõ nét và sinh động. Cán bộ, đảng viên và nhân dân phấn khởi, tin tưởng sâu sắc vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý điều hành của chính quyền, tạo sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân, hăng hái thi đua, tích cực sáng tạo trong học tập, lao động sản xuất và công tác, chung sức xây dựng và phát triển thành phố.

Đạt được những thành quả trên là nhờ sự quan tâm, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự phối hợp, tạo điều kiện của các sở, ban, ngành tỉnh; sự đoàn kết, chủ động, phát huy nội lực của cán bộ, đảng viên và nhân dân thành phố. Đảng bộ, chính quyền và hệ thống chính trị phát huy truyền thống cách mạng, kiên trì và vận dụng sáng tạo đường lối đổi mới của Đảng vào điều kiện cụ thể của địa phương, vượt qua khó khăn, biến tiềm lực thành nguồn lực, lập nhiều thành tích xuất sắc trong sự nghiệp xây dựng và phát triển quê hương.

Khi tiềm năng được đánh thức, trí tuệ và quyết tâm được khơi nguồn; ý chí tự lực, tự cường chung tay xây dựng cơ đồ với tinh thần đổi mới, sáng tạo và khát vọng vươn lên, bền bỉ phấn đấu, vững niềm tin đi tới.

Phát triển thành phố đồng bộ, hài hòa, giàu bản sắc

Trong hành trình đi tới, Đảng bộ và nhân dân thành phố Kon Tum tiếp tục phát huy thành quả đạt được, khơi thông tiềm năng, nguồn lực, tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt, dồn sức tập trung thực hiện một số nhiệm vụ cơ bản sau:

Một là, tiếp tục phát huy lợi thế về vị trí trung tâm của tỉnh và tiềm năng, nguồn lực của địa phương; phát triển đô thị theo hướng 3 đường vành đai, 6 vùng phát triển; hình thành các trung tâm đô thị được gắn kết bằng hệ thống giao thông thông minh, thân thiện và hiện đại.

Hai là, giữ gìn, khai thác tối đa bản sắc văn hóa, lợi thế, tiềm năng tự nhiên để hình thành cấu trúc đô thị kết hợp hệ thống hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật kết nối với hệ thống hạ tầng diện rộng đáp ứng nhu cầu phát triển trước mắt và lâu dài.

Ba là, phát triển thành phố Kon Tum ngoài tính chất là đô thị tỉnh lỵ, còn là trung tâm thương mại - tài chính, là cầu nối giữa các địa phương trong giao thương, kết nối, tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm nông nghiệp, dịch vụ; đồng thời là trung tâm du lịch, dịch vụ, gắn kết các tour du lịch với các địa phương trong và ngoài tỉnh. Đầu tư phát triển các khu đô thị mới nhằm mở rộng không gian đô thị theo hướng: “Lấy dòng sông Đăk Bla làm trung tâm, làm xương sống để tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, tạo cảnh quan, tạo tiền đề cho phát triển thương mại - dịch vụ - du lịch”. Phát triển các khu đô thị mới theo mô hình đô thị xanh, đô thị thông minh, có bản sắc riêng dọc hai bên bờ sông Đắk Bla.

 

Các nghệ nhân ở xã Đăk Rơ Wa biểu diễn cồng chiêng. Ảnh: Nguyễn Ban

 

Bốn là, đầu tư phát triển các điểm dân cư nông thôn hiện đại, trên cơ sở giữ nguyên quy mô hiện có; từng bước đầu tư phát triển theo hướng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng văn minh, hiện đại gắn với đô thị hóa.

Năm là, phát triển vùng, tạo sự lan tỏa và thúc đẩy phát triển liên kết các vùng, địa phương trên địa bàn tỉnh; xây dựng mối liên hệ trong chuỗi cung ứng “vùng nguyên liệu - vùng chế biến, sản xuất - vùng tiêu thụ” với các vùng kinh tế động lực khác là các vệ tinh phát triển trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là thương mại - du lịch - dịch vụ. Trong đó, tiếp tục duy trì kết nối về du lịch - dịch vụ giữa thành phố Kon Tum với các đô thị trong khu vực miền Trung, Tây Nguyên và kết nối với các thành phố lớn khác trên cả nước.

Sáu là, tiếp tục đẩy nhanh đầu tư xây dựng các cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp đã và đang hình thành như: Thanh Trung, Hoà Bình, Ngô Mây, Đăk Cấm... Đồng thời, từng bước phát triển, mở rộng thêm các cụm công nghiệp mới. Đẩy mạnh thu hút đầu tư, tập trung phát triển công nghiệp chế biến, các doanh nghiệp có liên kết về chuỗi cung ứng vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp -tiểu thủ công nghiệp.

Theo định hướng quy hoạch đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, thành phố Kon Tum sẽ phát triển mạnh mẽ và kỳ vọng sẽ trở thành một trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá - xã hội nằm trong nhóm đầu của các thành phố khu vực Tây Nguyên. Hạ tầng đô thị, hệ thống giao thông kết nối phát triển mạnh mẽ, sẽ hình thành các đường cao tốc kết nối giữa Kon Tum với các tỉnh, thành phố trong khu vực, tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật theo hướng hiện đại, với mục tiêu đạt tiêu chí đô thị loại I vào năm 2040.

Tròn tuổi 15, bức tranh tươi mới với những gam màu sáng đang hiện hữu trên từng góc phố, đường quê của thành phố Kon Tum. Người người cũng hân hoan hơn, hạnh phúc hơn hưởng thụ thành quả từ công cuộc dựng xây, kiến thiết, mang theo niềm tin về một tương lai xán lạn. Khát vọng về một Kon Tum - thành phố bên bờ sông Đăk Bla sẽ bừng lên, trỗi dậy ở một ngày không xa là không hề viển vông mà hoàn toàn có cơ sở thực tiễn.

Vóc dáng của một thành phố Kon Tum thông minh, hiện đại hiện hữu trong tương lai gần. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Kon Tum đoàn kết, đổi mới mạnh mẽ, toàn diện và đồng bộ, quyết tâm vượt qua mọi thách thức, phát huy nội lực, nắm bắt cơ hội, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế, phấn đấu xây dựng thành phố phát triển toàn diện, bền vững, xứng đáng là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh.

 

                                                Nguyễn Thanh Mân - Tỉnh ủy viên, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Kon Tum


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Văn bản mới
Thống kê truy cập
Hôm nay : 0
Hôm qua : 49
Tháng 10 : 154
Tháng trước : 1.235
Năm 2024 : 12.688