• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Các biện pháp phòng chống bệnh dại trên người

       Bệnh dại là bệnh viêm não tủy cấp tính do vi rút, lây truyền từ động vật sang người chủ yếu qua vết cắn, cào, liếm của động vật mắc bệnh (thường là chó, mèo). Cho đến nay bệnh dại chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Khi lên cơn dại, tỷ lệ tử vong gần như 100%. Tuy vậy bệnh dại trên người có thể phòng và điều trị bằng vắc xin và huyết thanh kháng dại, Tiêm vắc xin dại cho cả người và động vật (chủ yếu là chó) là biện pháp hiệu quả để phòng, chống bệnh dại.

Hiện nay, tình hình dịch bệnh Dại trên người và động vật tại các tỉnh Tây Nguyên nói chung, tỉnh Kon Tum nói riêng diễn biến rất phức tạp và nguy hiểm (đã có ca tử vong trên người: Đăk Lăk có 04 ca; Gia Lai có 01 ca; huyện Sa Thầy đã có trường hợp chó mắc bệnh Dại).

Để tiếp tục triển khai thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống bệnh Dại trên động vật, UBND phường Duy Tân đề nghị hộ gia đình, người dân thực hiện các nội dung sau:

1. Xích, nhốt hoặc giữ chó trong khuôn viên gia đình, đảm bảo giữ gìn vệ sinh môi trường, không gây ảnh hưởng xấu tới người khác. Khi đưa chó ra đường và nơi công cộng phải bảo đảm an toàn cho người xung quanh bằng cách đeo rọ mõm cho chó, hoặc xích giữ chó và có người dắt.

2. Tiêm phòng đầy đủ cho chó, mèo nuôi và tiêm nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y.

3. Báo cáo ngay cho UBND phường Duy Tân và cơ quan thú y khi chó, mèo lên cơn dại hoặc nghi mắc bệnh Dại (có biểu hiện cắn khi không bị trêu chọc, chán ăn hoặc ăn những thức ăn bất thường; chạy mà không rõ lý do, thay đổi âm thanh sủa khan và gầm gừ, sủa không ra tiếng, tiết quá nhiều nước bọt hoặc sùi bọt mép, thay đổ thói quen tâm tính hàng ngày) để kiểm tra, xác minh và có biện pháp xử lý kịp thời.

4. Không đùa nghịch, trêu chọc chó, mèo. Người bị chó, mèo cắn phải đi tiêm vắc xin phòng sớm và đầy đủ các mũi tiêm theo chỉ dẫn của bác sĩ.

5. Khi bị chó, mèo cắn, cào, liếm cần:  Rửa ngay vết thương với xà phòng và nước sạch dưới vòi chảy liên tục trong thời gian khoảng 10 đến 15 phút, sau đó sát khuẩn bằng cồn 70 độ hoặc cồn Iod hoặc các chất sát khuẩn khác để làm giảm thiểu lượng virus dại tại vết cắn. Đây là phương pháp sơ cứu hiệu quả nhất để chống lại bệnh Dại. Sau đó cần đưa ngay người bị thương đến cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn và điều trị càng sớm càng tốt. Không chà sát, không nặn máu để tránh tổn thương rộng hơn. 

Khi xử lý vết thương do bị động vật cắn người dân cần chú ý: Không băng kín, không khâu kín ngay vết thương, không làm vết thương bị tổn thương rộng hơn. Đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn và tiêm phòng dại kịp thời. Việc khám và điều trị dự phòng Dại bằng tiêm vắc xin và huyết thanh kháng dại phải được thực hiện càng sớm càng tốt trong vòng 72 giờ sau khi bị cắn. Tuyệt đối không dùng thuốc nam, không tự chữa hoặc nhờ thầy lang chữa bệnh Dại (chỉ có tiêm phòng mới phòng ngừa được bệnh Dại).

Vì sức khỏe của cộng đồng, toàn dân chung tay phòng, chống bệnh dại trên người!

 

                                                                                                               Tin, bài: Mai Phương 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Văn bản mới
Thống kê truy cập
Hôm nay : 83
Hôm qua : 89
Tháng 05 : 587
Tháng trước : 1.265
Năm 2024 : 4.564