A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bảo tồn và phát huy văn hóa cộng đồng các dân tộc ở Kon Tum nhằm tạo ra hệ giá trị văn hóa mang tính bền vững trong giai đoạn hiện nay

Để bảo tồn và phát huy văn hóa cộng đồng các dân tộc ở Kon Tum, ngày 16-02-2022, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI ban hành Nghị quyết 08-NQ/TU “về bảo tồn và phát huy giá trị nghề truyền thống của các dân tộc thiểu số tại chỗ đến năm 2025, định hướng 2030”; triển khai thực hiện Đề án “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa làng truyền thống các DTTS tỉnh Kon Tum giai đoạn 2020-2025”. Đến nay, công tác bảo tồn và phát huy văn hóa cộng đồng các dân tộc ở Kon Tum đã tạo ra hệ giá trị văn hóa mang tính bền vững trên địa bàn tỉnh…

Nghệ nhân người Xơ Đăng biểu diễn cồng chiêng trong ngày hội

Nghệ nhân người Xơ Đăng biểu diễn cồng chiêng trong ngày hội

Về công tác quản lý, bảo tồn di sản văn hóa dân tộc
- Đối với văn hóa vật thể, đến nay, toàn tỉnh có 409/622 làng đồng bào DTTS có nhà Rông, đạt tỷ lệ 65,8%. Nhìn chung, nhà rông, nhà dài của các DTTS tại chỗ đã góp phần làm phong phú bản sắc văn hóa của địa phương và đó cũng là những địa chỉ thu hút khách du lịch, các nhà nghiên cứu về lịch sử, văn hóa truyền thống khi đến với tỉnh Kon Tum. Ngoài ra, văn hóa vật thể của đồng bào các DTTS tại chỗ trên địa bàn tỉnh còn bao gồm trang phục, trang sức, đồ dùng sinh hoạt trong gia đình, dụng cụ sản xuất truyền thống, nhạc cụ, chiêng, ché, nồi đồng...Đặc biệt, đã triển khai thực hiện hiệu quả Đề án trưng bày bảo tàng ngoài trời về không gian văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS tại chỗ, đây là giải pháp bảo tồn sống có sức lan tỏa và hiệu quả cao về công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các DTTS trong thời gian tới.
Đối với văn hóa phi vật thể, thời gian qua, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã tổ chức phục dựng các loại hình di sản văn hóa truyền thống của đồng bào các DTTS tại chỗ, như: Lễ cưới truyền thống của người Rơ Măm; Lễ ăn lúa mới của dân tộc Brâu; Lễ bắc máng nước và Lễ kiêng làng của dân tộc Xơ Đăng; Lễ ăn than của dân tộc Giẻ - Triêng; Lễ hội nước giọt của dân tộc Ba Na; Lễ cầu an- Kâm bul của dân tộc Gia Rai... Ngoài ra, đã tổ chức kiểm kê di sản văn hóa dân tộc Brâu; kiểm kê, sưu tầm văn hóa truyền thống điển hình của dân tộc Xơ Đăng (nhóm Xơ Teng, Mơ Nâm, Tơ Đră), dân tộc Hrê... nhằm đánh giá về thực trạng di sản văn hóa truyền thống tiêu biểu của các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, trên cơ sở đó, có giải pháp tăng cường bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống các DTTS trong thời gian tới.
Đáng nói, với di sản không gian văn hóa cồng chiêng: Các dân tộc thiểu số tại chỗ trên địa bàn tỉnh đều có hoạt động sinh hoạt văn hóa cồng chiêng; sinh hoạt văn hóa cồng chiêng được thực hành gắn liền với các nghi lễ, lễ hội của cộng đồng và thường tổ chức tại nhà rông, nhà sàn, nhà mồ... Mỗi đồng bào dân tộc thiểu số đều có những bộ chiêng lễ, mang tính đặc trưng riêng, như: dân tộc Xơ Đăng - nhóm Xơ Teng có bộ chiêng S’teng, gồm 7 cái chiêng bằng; dân tộc Xơ Đăng - nhóm Tơ Dră có bộ cồng (Guông), gồm 04 cái; dân tộc Giẻ - Triêng có bộ chiêng Nỉ, gồm 03 cái chiêng bằng; dân tộc Brâu có bộ chiêng Tha, gồm 02 cái chiêng bằng; các dân tộc Ba Na, Gia Rai có chiêng Hŏnh.... được thực hành trong phần lễ của các lễ hội. Tuy nhiên, trong phần hội của các lễ hội, đồng bào các dân tộc thiểu số thường thực hành bộ cồng chiêng hội, gồm từ là 11 cái đến 18 cái tùy theo từng dân tộc, mỗi một cái cồng, cái chiêng được biên chế một người tương ứng với một âm vực trong bộ cồng chiêng. Trong quá trình thực hành, ngoài cồng chiêng, còn có trống và chũm chọe có vai trò giữ nhịp ổn định khi diễn tấu bài cồng chiêng.
- Đối với công tác bảo tồn văn hóa cồng chiêng của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh được Ban Thường vụ Tỉnh ủy quan tâm, chỉ đạo, quyết tâm phấn đấu mỗi làng dân tộc thiếu số có ít nhất 01 bộ cồng chiêng để sinh hoạt cộng đồng. Triển khai Đề án “Bảo tồn, phát huy di sản không gian văn hóa cồng chiêng tỉnh Kon Tum giai đoạn 2016-2020”. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 502/622 làng đồng bào DTTS có cồng chiêng; đã mở trên 200 lớp truyền dạy các lớp cồng chiêng, múa xoang, nghề dệt, nghề đan lát, chế tác nhạc cụ truyền thống... với trên 5.000 học viên tham gia, góp phần khôi phục, gìn giữ văn hóa truyền thống trên địa bàn tỉnh.
Tỉnh đã xây dựng và triển khai Đề án “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa làng truyền thống các DTTS tỉnh Kon Tum giai đoạn 2020-2025”, đây là một trong những giải pháp thiết thực, hiệu quả trong công tác bảo tồn, phát huy di sản văn hóa phi vật thể nói chung, nghề dệt thổ cẩm và trang phục truyền thống nói riêng. Là loại hình văn hóa phi vật thể truyền miệng từ đời này, sang đời khác, Sử thi dân tộc Ba Na- Rơ Ngao tỉnh Kon Tum được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, góp phần quan trọng vào việc bảo tồn và phát huy hệ thống di sản văn hóa phi vật thể Sử thi tỉnh Kon Tum. Năm 2020, tỉnh tiếp tục xây dựng hồ sơ về “Lễ et ‘dong” của dân tộc Ba Na để đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Đến nay, toàn tỉnh Kon Tum đã có 74 nghệ nhân được phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú”.
Công tác bảo tồn, phát huy loại hình di sản văn hóa phi vật thể trong thời gian qua đã góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, nâng cao ý thức của người dân đối với việc gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của cộng đồng, đẩy mạnh tinh thần sáng tạo của người dân, góp phần hình thành sản phẩm du lịch và phát triển kinh tế du lịch của tỉnh. Các lễ hội dân gian được tổ chức trong thời gian qua luôn đảm bảo đúng quy định của pháp luật, giữ gìn được bản sắc văn hóa truyền thống, phát huy những giá trị tích cực và hạn chế, đẩy lùi những mặt tiêu cực, mê tín dị đoan, lạc hậu…
Về in ấn, xuất bản các ấn phẩm: Tỉnh đã biên soạn, xuất bản, phát hành các cuốn sách: Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa ở Kon Tum; Tiền sử Kon Tum; Du lịch Kon Tum - Huyền thoại đại ngàn (sách ảnh, được in thành hai thứ tiếng Anh-Việt); Nghề đan lát tuyền thống của dân tộc Xơ Đăng; Ngữ văn dân gian của dân tộc Ba Na; Nghề dệt truyền thống của dân tôc Xơ đăng; Lễ bỏ mả của dân tộc Rơ Măm; Lễ mừng lúa mới của dân tộc Rơ Măm; Tập san về cồng chiêng; Lễ bắc máng nước của dân tộc Xơ Đăng (nhóm Xơ Teng) (sách ảnh); Văn hóa truyền thống điển hình của dân tộc Xơ Đăng (nhóm Xơ Teng) và nhiều đầu sách tiêu biểu khác… đã góp phần tích cực trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống các DTTS tại chỗ trên địa bàn tỉnh.
Về nâng cao hiệu quả công tác quảng bá các sản phẩm văn hóa dân tộc và thực hiện chính sách đãi ngộ đối với các nghệ nhân tiêu biểu: Từ năm 2011 đến nay, tỉnh đã tổ chức 20 đợt luân phiên cho đồng bào các DTTS trong tỉnh tham gia trình diễn văn hóa truyền thống, phổ biến tri thức văn hóa của các dân tộc tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam nhân dịp Mừng Đảng, mừng xuân, chào mừng các sự kiện lớn, quan trọng của đất nước; quảng bá, giới thiệu cho du khách trong và ngoài nước hiểu hơn về những nét sắc thái, đặc trưng của 07 dân tộc thiểu số tại chỗ trên địa bàn tỉnh.
Đồng thời, đã giới thiệu đến du khách về các hoạt động văn hóa, văn nghệ dân gian như hát kể sử thi, truyện cổ, các làn điệu dân ca, dân vũ (cồng chiêng), ẩm thực truyền thống, trò chơi dân gian, các hoạt động trình diễn nghề thủ công truyền thống, chế tác và diễn tấu nhạc cụ truyền thống… Trong đó, các đoàn nghệ nhân tỉnh Kon Tum đã tổ chức phục dựng nguyên bản trên 20 Lễ hội dân gian tiêu biểu gồm: Lễ Mừng nhà rông mới; Mừng được mùa lúa mới; Mừng nước giọt; Mừng nhà mới (của dân tộc Ba Na), Lễ cưới truyền thống, Lễ cầu mưa, lễ cầu an, Lễ mừng về làng mới (của dân tộc B’râu)... tại Làng Văn hoá Du lịch các dân tộc Việt Nam.
Hằng năm, đã tổ chức cho các đoàn nghệ nhân các DTTS tỉnh Kon Tum tham gia các đợt giao lưu do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức trong và ngoài nước như: Festival cồng chiêng tại tỉnh Gia Lai; Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột; các hoạt động tại Bảo tàng Dân tộc Việt Nam nhân các dịp Tết cổ truyền; Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc Việt Nam khu vực miền Trung - Tây Nguyên, liên hoan Dân ca Việt Nam khu vực Tây Nguyên tại tỉnh Đăk Nông; Ngày hội trình diễn cây Nêu và giao lưu văn hóa tại tỉnh Quảng Nam; Lễ hội thổ cẩm tại tỉnh Đăk Nông; Ngày hội giao lưu văn hóa các DTTS các tỉnh vùng biên giới Việt Nam- Lào khu vực Miền Trung- Tây Nguyên tại tỉnh Thừa Thiên Huế; Ngày hội giao lưu văn hóa các DTTS các tỉnh vùng biên giới Việt Nam- Lào tại tỉnh Sơn La; trình diễn, giới thiệu các loại hình văn hóa dân gian các dân tộc trong tỉnh tại một số nước như: Festival tại Pháp; Chương trình giao lưu văn hóa tại Lào nhân kỷ niệm 55 năm Ngày Thiết lập quan hệ ngoại giao (05/9/1962-05/9/2012) và 35 năm Ngày ký Hiệp ước hữu nghị và hợp tác Việt Nam- Lào (18/7/1977-18/7/2012); đăng cai Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc vùng Tây Nguyên lần thứ nhất- năm 2023 với chủ đề "Đại ngàn Tây Nguyên-Tinh hoa hội tụ"…
Định kỳ 2 năm/lần, tỉnh tổ chức “Tuần lễ Văn hóa, Du lịch” trong thời gian từ 5-6 ngày với khoảng 500 nghệ nhân tham gia trình diễn, đã trở thành lễ hội của cộng đồng các dân tộc trong tỉnh và được tổ chức tại các huyện trên địa bàn tỉnh, góp phần nâng cao ý thức tự gìn giữ nét văn hóa truyền thống trong đồng bào các DTTS. Trong đó, tại Tuần lễ Văn hóa, Du lịch tỉnh Kon Tum lần thứ 3 (năm 2016) gắn với Liên hoan nghệ thuật dân gian Tây Nguyên với Chủ đề "Các dân tộc Tây Nguyên-Đoàn kết, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, góp phần phát triển bền vững đất nước", tỉnh đã phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các tỉnh trong khu vực tổ chức nhiều hoạt động đặc sắc như: Liên hoan tạc tượng gỗ dân gian và chế tác nhạc cụ truyền thống; Trưng bày, triển lãm tranh, ảnh về không gian văn hóa Tây Nguyên-Việt Nam; Kết nối Tour du lịch dã ngoại "Măng Đen- vẻ đẹp bất tận"; Lễ hội đường phố "Sắc màu văn hóa Tây Nguyên"; Liên hoan văn hóa ẩm thực Kon Tum; Hội thảo khoa học đánh giá 10 năm thực hiện Chương trình hành động quốc gia bảo vệ Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên... đã thực sự trở thành Ngày hội văn hóa của các dân tộc thiểu số Tây Nguyên, để lại nhiều ấn tượng sâu sắc với du khách và Nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh.
Để khắc phục những hạn chế, yếu kém trong công tác bảo tồn và phát huy văn hóa cộng đồng các DTTS ở tỉnh, nhằm tạo ra hệ giá trị văn hóa mang tính bền vững trong giai đoạn hiện nay, thời gian tới, Kon Tum sẽ tập trung triển khai một số giải pháp trọng tâm sau:
Thứ nhất, tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa truyền thống các DTTS để góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nhất là Chương trình số 76-CTr/TU, ngày 17-10-2014 của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 09-6-2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”; Quyết định số 1270/QĐ-TTg, ngày 27-7-2011 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Đề án “Bảo tồn, phát triển văn hóa các DTTS Việt Nam đến năm 2020”... Đồng thời, xây dựng cơ chế phù hợp trong bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa truyền thống. Tăng cường công tác quản lý của ngành văn hóa, tạo môi trường thuận lợi cho việc phát triển văn hóa theo quy định của pháp luật. Có chính sách hỗ trợ thu hút các nguồn lực cho việc bảo tồn và phát triển văn hóa bền vững.
Thứ hai, tiếp tục triển khai có hiệu quả công tác khôi phục, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa đặc sắc, độc đáo của các DTTS trên địa bàn tỉnh; phát huy những giá trị văn hóa hiện có, tiếp thu có chọn lọc những giá trị văn hóa của thời đại; tăng cường quản lý, bảo vệ, bảo tồn, phục dựng các lễ hội truyền thống, các hoạt động văn hóa dân gian (như không gian văn hóa cồng chiêng, múa xoang…), các nghề truyền thống của đồng bào DTTS. Đồng thời, phục dựng, trùng tu các di tích lịch sử cách mạng như di tích lịch sử Ngục Kon Tum, Chiến thắng Đăk Tô- Tân Cảnh...
Thứ ba, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao hiệu quả công tác quảng bá, giới thiệu về văn hóa truyền thống, hình ảnh thiên nhiên - con người tỉnh Kon Tum; xây dựng, nhân rộng các làng điểm văn hoá; phát hành các ấn phẩm giới thiệu về văn hoá, du lịch Kon Tum. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa các hoạt động văn hóa; đầu tư đồng bộ gắn với sử dụng hiệu quả các thiết chế văn hóa từ tỉnh đến cơ sở; xây dựng Trung tâm Văn hóa - Nghệ thuật tỉnh.
Rà soát, bổ sung, hoàn thiện quy hoạch, xây dựng đề án về văn hóa; tăng cường đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ văn hóa, quản lý văn hóa, cán bộ văn hoá cấp xã, phường, đặc biệt chú trọng đến cán bộ văn hoá các xã vùng sâu, vùng  xa, vùng DTTS và cán bộ văn hoá thôn bản.
Thứ tư, tăng cường hợp tác phát triển văn hoá với các tỉnh trong khu vực cũng như các tỉnh trên phạm vi toàn quốc; tham gia đầy đủ các sự kiện văn hoá của khu vực, quốc gia, cũng như tổ chức tốt các lễ hội văn hoá truyền thống của các dân tộc. Đẩy mạnh sự hợp tác giữa các tỉnh khu vực Tây Nguyên, tạo điều kiện phối hợp trao đổi thông tin, giới thiệu hình ảnh đất nước con người Kon Tum đến với mọi người và các tổ chức trong và ngoài nước.
Thứ năm, tiếp tục đẩy mạnh phong trào“Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; hoàn thiện cơ bản các thiết chế văn hóa cơ sở, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc; trong đó, tập trung bảo tồn các nghề truyền thống, nhà rông, văn hóa cồng chiêng. Xây dựng các hình thức hoạt động thể dục thể thao quần chúng ở cấp cơ sở phù hợp với từng dân tộc, đối tượng và điều kiện cụ thể. Quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị hệ thống viễn thông, phát thanh, truyền hình đảm bảo cung cấp đầy đủ thông tin cho người dân, đặc biệt là người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới. Có hình thức khen thưởng kịp thời đối với những tấm gương người tốt, việc tốt, nhân tố điển hình về văn hóa./.

 

Nguồn: https://www.tuyengiaokontum.org.vn/khoa-giao-van-hoa-van-nghe/bao-ton-va-phat-huy-van-hoa-cong-dong-cac-dan-toc-o-kon-tum-nham-tao-ra-he-gia-tri-van-hoa-mang-tinh-ben-vung-trong-giai-doan-hien-nay-6457.html


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Văn bản mới
Thống kê truy cập
Hôm nay : 19
Hôm qua : 52
Tháng 04 : 1.152
Tháng trước : 1.114
Năm 2024 : 3.864